Thursday, January 4, 2018

Người Về - Trần Yên Hòa

Hoán đạp chiếc xe đạp cà tàng đi lang thang trên khắp những con đường thành Sài để mua những đồ phế liệu.
Một ngày thức dậy từ sáng sớm, anh ra quán cà phê lề đường kêu một ly đen, uống cho tỉnh táo, rồi ghé quán xôi bà cả Cần mua gói xôi hai đồng, vừa dựng xe đạp bên vỉa hè, vừa ăn gói xôi, vừa uống cà phê. Cuộc sống thường ngày, cứ quay đi quẩn lại như cái kim đồng hồ, một ngày đối với Hoán là như vậy.
Từ ngày anh ra khỏi trại tập trung đến nay, loay hoay với cuộc kiếm ăn khó khăn giữa một thành phố xô bồ nhộn nhịp, xa hoa phù phiếm này. Mới đầu, vì không vốn liếng, không chỗ ở, lại bị công an theo dõi hàng đêm, Hoán phải đi lang thang trong các khu nhà có những thùng rác, nơi bỏ rác của cư dân, lục lọi, tìm kiếm những bao nhựa phế thải, để bán lại ở nhưng nơi thu mua phế liệu. Danh từ thường gọi những người như Hoán là dân móc bọc. Chàng đi từ nơi này sang nơi khác, xóm lao động này sang xóm lao động khác, kiếm ăn hàng ngày, cũng may ra tạm đủ.
Chàng nghĩ đến những ngày dài trong trại tập trung, ăn uống đói khổ, chỉ nuốt bo bo và khoai sắn khô, thế mà cũng qua đi sáu năm trong lao tù cưỡng bách. Bây giờ ra ngoài đời, mọi cơ khổ dù thế nào đi nữa chàng cũng vượt qua được..
Dần dần, Hoán để dành được một số tiền nhỏ, anh mua chiếc xe đạp cà tàng này, ghé chợ Cầu Muối mua một cái giỏ cần xé, mua thêm hai dây cao su dài và chắc, buộc cái giỏ cần xé phía sau ba ga, và anh bắt đầu đổi nghề, đi mua đồ phế liệu. Những đồ cũ, những loại soong, nồi...bằng nhôm , bằng nhựa, hay các loại vật dụng cũ như radio, đồng hồ, quạt máy...rồi đem bán lại cho những người bán chợ trời, cũng kiếm được chút đỉnh hơn hồi đi móc bọc.
2.
Hoán bắt đầu dắt chiếc xe đạp chở phía sau giỏ cần xé to đùng ra đường lộ. Anh cố giữ cho chiếc xe thăng bằng rồi ngồi lên yên. Yên vị xong anh mới nhấn ga. Cặp bàn đạp bằng kim loại lâu ngày không vô dầu nhớt nên kêu lên những tiếng ken két, ken két, như tiếng một con heo bị bỏ đói, đòi chủ cho ăn. Vì chiếc xe cũ nên đạp rất nặng, Hoán phải nhướn người lên.
Một tay anh cầm ghi đông, còn tay kia anh cầm cái chuông đồng nhỏ, loại chuông của mấy tay bán cà rem dạo rao bán. Anh đi đường chạy xe đạp thấy mấy đứa trẻ con đi bán cà rem, cầm cái chuông nhỏ rung lên kêu leng keng, thấy rất tiện cho nghề của mình, khi đi mua đồ lạc son, ve chai, nên anh nhờ thằng bé bán cà rem chỉ cho chỗ bán. Nó mách nước, chú lên khu chợ trời đường Trương Minh Giảng, đi dạo vào mấy quày hàng bán đồ linh tinh, chắc có. Hoán nghe lời, đi đến chợ trời và tìm ra ngay. Nhờ cái chuông nên anh đỡ phải rao to tiếng, rát cổ, khô nước miếng. Trước đây, chưa có cái chuông, anh phải ngoác mồm rao lên, khi đi vào mấy con hẻm sâu: "Ai có răng vàng hư cũ, đồ đồng, đồ sắt, đồ nhôm, đồ phế liệu bán không? Ai có radio, quạt máy, ti vi hư cũ, bán không? Ai có đồng hồ, cà rá vòng bạc, đồng, thau, bán không?".
Nhiều khi anh đạp xe dạo khắp hai, ba khu phố, rao rát cả cổ họng, mà không có một người nào kêu bán. Nhưng cũng có khi gặp hên, anh vớ mua lại được cái radio cũ, cái đồng hồ sứt dây nhưng còn chạy tốt, về đem bán lại cho các mối quen ở chợ trời cũng kiếm được chút đỉnh.
Nếu không thì anh đem các loại lon nhựa, lon nhôm, bán cho các chủ vựa ve chai, cũng kiếm được chút tiền lời ăn cơm hai bữa. Trong các sự chọn lựa của con người, ai cũng muốn cho cuộc đời mình nhích lên thêm chút đỉnh, cơm no áo ấm rồi sẽ tiến lên cơm ngon áo đẹp, đó là lẽ thường tình. Anh đang đứng ở hạng chót bẹt của xã hội, nên anh chỉ mong kiếm ngày hai bữa cơm no, là mừng.
Sáng nay anh nghĩ sẽ đi từ công viên khu nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, nơi anh tạm sống, xuống khu Thị Nghè mua hàng. Từ ngày ra trại tập trung, anh không có ai là thân nhân nữa, vợ con tứ tán, xiêu lạc nơi đâu anh không biết, nên anh phải tấp về ở thành Sài, kệ, đến đâu hay đến đó, anh liều mình leo lên chuyến tàu chợ, vào thành phố, trong ký ức mù mờ anh vẫn tự nghĩ, không biết mình phải tá túc nơi đâu đây?
Trước đây đi móc bọc hay đi lượm ve chai, anh sống lang thang, đụng đâu ngủ đó, thường thì trên các sạp hàng chợ, như chợ Trương Minh Giảng, chợ Tân Bình hay chợ bà Chiểu. Buổi tối các chủ sạp dọn hàng ra về, thì đám lang thang bụi đời cũng mò về đây. Họ trải những bức chiếu rách ra ngủ.

Với Hoán cũng vậy, sau một ngày lao động móc bọc đổ hào quang, anh ghé lên khu gần chợ cá Trần Quốc Toản ngày xưa, ở đây có một phòng vệ sinh công cộng, có cả phòng tắm. Anh trả cho bà giữ cửa phòng vệ sinh công cộng một đồng, rồi vào phòng tắm. Tắm táp cho bay đi bụi đường, xong anh về ngủ trên sạp chợ. Coi như qua một ngày lang thang móc bọc.
Nhưng sau đó thì đám ngủ chợ bị công an ghé mắt đến, công an dẫn dân phòng đi tuần tra, đuổi hết những kẻ ngủ sạp ra khỏi chợ. Bọn lang thang như Hoán chạy tứ tán để khỏi phải bị bắt vào trại tệ nạn xã hội, trong đó có đủ thành phần, kể cả những người vô gia cư, được xếp chung như thành phần bất hảo.
Anh đi tìm mãi chỗ ngủ ban đêm, cũng nghe những bạn móc bọc mách nước, "anh về nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi tá túc đi, vì khu này sắp giải tỏa nên công an ít để ý". Anh liền đến.
Thời gian này khu nghĩa trang này sắp có lệnh giải tỏa nên chuyện cư trú ở đây cũng dễ dãi. Anh nhắm ngay ngôi mộ của một ông tướng miền Nam, bị chết trong một chuyến máy bay thị sát chiến trường, bị súng địch từ dưới bắn lên (hay của Mỹ, hay của các các phe phái tướng lãnh cầm quyền đối lập hạ sát ông, cũng không biết chừng. Thời buổi nhiễu nhương quá mà).
Chiếc trực thăng bốc cháy thiêu gọn thân xác ông tướng, chỉ còn một mảnh đen sì, bèo nhèo. Cái chết của ông tướng được báo chí nhắc đến nhiều lúc đó. Có những báo đối lập đặt ra vấn đề, ai bắn máy bay chở ông tướng, khi bên dưới là một vùng bình yên? Tuy vậy báo chí ồn ào một thời gian rồi cũng im, mọi chuyện cũng qua đi.
 Xác ông tướng chỉ còn chút xíu, được bỏ trong quan tài bằng loại gỗ đắt giá nhất. Khi chôn ông, có cờ quạt, có hàng lính dàn chào, có dàn kèn đồng đám ma, tây, ta, đủ cả. Và vinh dự thay là có lá cờ vàng phủ trên quan tài nữa chứ, không biết, nếu những chiến hữu đối lập bắn ông, kẻ ra lệnh tiêu diệt ông, trông thấy cảnh này có cảm xúc không? Chỉ thấy có biết bao nhiêu lời ai điếu, phân ưu, của những người tai to mặt lớn trong chính phủ và quân đội. Lời ai điếu thương tiếc đọc lên nghe buồn thảm làm sao! Báo chí hàng loạt ở thành Sài đăng tin ông hy sinh, ca ngợi tinh thần quả cảm của ông, đi máy bay thị sát chiến trường, bị lực lượng phòng không CS nhả đạn trúng ngay đầu máy bay.
 Những ngôi mộ khu này được xây bằng gạch ốp lát, trông rất sạch sẽ, khang trang. Chung quanh có diện tích rộng nên những kẻ vô gia cư vào đây tá túc nhiều, họ thấy hạnh phúc vì còn hơn ngủ trên những dãy sạp cá chợ Tân Bình, chợ bà Chiểu, chủ sạp cá rửa sạp qua loa, nên còn tanh rình mùi cá.
 Mỗi một kẻ lang thang chiếm một ngôi mộ, cũng có ngôi mộ rộng, hai ba người tá túc.
Hoán chiếm được ngôi mộ ông tướng, nên anh rất bằng lòng. Từ ngày có giỏ cần xé, anh đem xe đạp để vào luôn bên mộ và khóa xe lại. Sáng ra, anh dắt xe đi. Nơi đây anh coi như căn nhà của mình, nên lúc nào cũng quét dọn sạch sẽ.
 Từ đường Hai bà Trưng anh đạp xe xuống đường Hồng Thập Tự rồi chạy thẳng ra Thị Nghè. Qua cầu Thị Nghè, anh lắc chuông liên hồi và rẽ vào một con hẻm nhỏ. Anh biết khu phía trong có tổ hợp nhà máy sản xuất giấy, nếu vào đó có các thùng cạc tông thải ra, anh có thể xin hay mua rẻ.
3.
Hà Thị Hiền, người đàn bà ba mươi tuổi, nhà Hiền ở phía bên trái đường Hồng Thập Tự, cũng là khu mặt tiền. Từ ngày người chồng trăng hoa bỏ Hiền và bốn đứa con, ba trai, một gái, đi theo người tình mới, thì Hiền cho người ta thuê một phần mặt bằng trước mặt tiền, để họ bán đồ điện tử. Còn mẹ con nàng lui vào phía sau, kê hai cái giường cho năm mẹ con ngủ.
 Sau khi hợp tác xã giấy thành lập, Hiền nộp đơn xin làm công nhân, vì trình độ học vấn thấp nên nàng chỉ được tuyển làm tạp vụ. Sau dần dần mấy năm, nàng được đưa lên làm tổ trưởng tổ tiếp nhận những thùng giấy mới ở bên nhà máy sản xuất chuyển đến.. Hiền và các nhân viên có công việc là sang giấy vào những thùng mới đẹp hơn, rồi dán bao bì, chuyển đến các nơi như chợ, siêu thị bán ra thị trường. Thời kỳ này giấy rất khan hiếm nên hợp tác xã làm ăn có chiều khấm khá.
Hoán vừa đi, vừa lắc chuông leng keng, vừa ngoác cổ rao:
- Ai có bán thùng cạc tông cũ, thùng giấy hư cũ bán, mua với giá cao. Ai có đồ nhôm, đồ sắt phế liệu, bán không?

Trong lúc đó thì Hiền từ trong văn phòng đi ra. Lúc này, xe đang xuống hàng, toán công nhân đang mở thùng giấy cũ, bỏ giấy vào thùng mới, công việc đang đến giai đoạn kết thúc, thì Hoán cũng vừa đạp xe tới và miệng rao to.
- Ai có thùng cạc tông bán không?.
Hiền liền kêu lên:
- Chú ơi. Tôi có một số thùng đây, chú có mua không?
 Hoán xuống xe, dựng xe đạp vào bức tường bên hiên ngoài sân, đi tới gần Hiền:
- Cô bán thùng cạc tông hả cô? Có bao nhiêu tôi mua hết cho.
 Thấy Hoán cũng còn trẻ, nên Hiền thay đổi danh xưng, nàng nói giọng hiền từ:
- Anh vào đây, thùng cũ vừa tháo ra nhiều lắm, anh mua được bao nhiêu thì mua. Vào trong nhà tôi cho xem.
 Hoán đi theo Hiền vào nhà kho chứa thùng cạc tông cũ. Cũng rất nhiều. Anh hỏi giá và được Hiền cho một giá rất rẻ, rẻ hơn những nơi khác. Thật ra, số thùng này bán ra cũng như cho, vì chứa trong kho chật quá. Nếu bán được chút tiền thì Hiền cũng mua trà, mua cà phê cho công nhân giải khát lúc họ nghỉ giải lao thôi. Chứ Hiền làm ở đây đã năm năm rồi, tính nàng mau mắn, nhậm lẹ, bộc trực và thương người, cũng như không tham lam, mơ màng đến công quỹ, nên nàng được tin cẩn. Nàng làm ở đây, thứ bảy, chủ nhật nghỉ, nàng đi làm công quả ở Tịnh xá Minh Đăng Quang dưới Thủ Đức hay Tịnh Xá Trung Tâm ở Phú Nhuận. Cái tính từ bi, thương người đã ăn sâu vào tâm hồn nàng, thật là "thương người như thể thương thân". Với Hiền là vậy.
Khi vào trong nhà kho thì Hoán mởi mở cái nón lưởi trai nhàu nát trên đầu ra, Hiền nhận ra khuôn mặt chàng trông thật cứng rắn và cương nghị, dù đời sống lao động khổ sở đã làm sạm đi. Bụi thời gian và sự gian khổ đã làm khuôn mặt chàng, có đôi mắt sáng, có hàm râu quai nón cũng lu mờ đi. Nhưng nàng nhìn thấy phía trong khuôn mặt ấy, là sự cương nghị vô cùng.
 Hiền hỏi cho có hỏi:
- Anh ở đâu mà đi mua ve chai đến tận đây vậy?
 Hoán đáp thành thật, với vẻ mặt không vui:
- Tôi sống trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi cô à, ở khu đường hai Bà Trưng ấy. Không có nhà có cửa thì ở tạm vậy thôi.
 Nghe đến đây, Hiền bỗng dưng cảm thương cho người đàn ông, một mình phải sống cùng người chết trong nghĩa trang này.
- Vậy hả anh? Ở đó có khó khăn quá không anh?
- Riết rồi quen đi cô à, riết rồi cũng coi như nhà mình thôi.
- Thôi được, có chỗ rúc ra rúc vào như vậy thì cũng mừng cho anh, anh há.
 Hoán trúng mánh được mối thùng cạc tông. Anh mua hết và sắp xếp chở nhiều lần. Vì mỗi thùng có thể tích rộng, cho nên Hoán phải mở ra rồi làm cho dẹp xuống, bó lại thành bó, mới xếp vào cái cần xé. Công việc qua nhiều công đoạn. Ngày hôm nay anh chở đi chở về cũng khoản 10 lần mới xong. Mỗi lần như vậy, anh chở thẳng tới vựa ve chai quen, họ cân, cộng tổng số rồi trả tiền cho anh, anh kiếm được cũng kha khá.. Lòng anh mừng khấp khởi.
 Trước khi chia tay ra về, anh nói với Hiền:
- Hôm nay tôi hên quá, thứ nhất là gặp được cô Hiền, cô đúng thật như tên là hiền hậu và tốt tánh quá. Thứ hai là tôi được mua với giá rẻ, tôi về bán lại cũng kiếm lời chút đỉnh khá khá hơn thường ngày. Cảm ơn cô Hiền nhiều nhe.
 Hiền nhìn anh, nở nụ cười thật tươi:
- Cảm ơn gì anh, cũng may nhờ anh tôi dọn kho luôn, chứ để đống hàng này choáng chỗ quá. Tôi cảm ơn anh mới phải chứ.
 Rồi Hiền hẹn:
- Một tuần cũng hai ba lần hàng về, anh thỉnh thoảng đi mua ve chai ghé lại đây nhe, có thùng tôi bán cho anh.
 Đáng lẽ câu nói này là của Hoán, vì anh đang cần đi mua hàng dữ lắm. May mà có Hiền nói trước nên anh mở cờ trong bụng.

Hoán nói:
- Vậy thì tốt quá, thỉnh thoảng hai ba ngày tôi ghé qua đây, nhe cô Hiền.
- Dạ, hai ba ngày anh cứ ghé. Tôi để dành cho anh.
- Cảm ơn cô Hiền.
 Hoán đạp xe ra khỏi khu hợp tác xã giấy mà lòng lâng lâng như được uống một ly rượu mạnh. Bao lâu rồi anh chưa được tiếp xúc với một người đàn bà hiền hậu như thế này. Đi móc bọc hoặc đi mua ve chai, anh toàn tiếp xúc với những người đàn bà ba đá, nói ra một tiếng là chưỡi thề hai ba tiếng...Bây giờ gặp Hiền, anh thấy lòng mình có một cảm giác vui nhe nhẹ trong lòng. Anh đạp miết xe lên tới phòng vệ sinh, phòng tắm công cộng lúc nào không hay.
4.
Cuộc đời là một bi kịch. Ai cũng có những ngày vui, ngày buồn, hạnh phúc và đau khổ. Hiền cũng vậy, mới ba mươi tuổi, nàng đã mang một mối hận lòng to lớn. Người chồng đã bỏ nàng để đi theo một người đàn bà khác, đã để lại cho nàng một nỗi đau. Ôm nuôi bốn đứa con còn nhỏ dại, sống với lương công nhân ba cọc ba đồng. Nàng bây giờ chỉ còn niềm vui trong công việc và đi lễ chùa. Nàng đến làm công quả trong các tịnh xá, lúc nào cũng được các ni, sư mến thương.
Sinh ra từ miền quê Củ Chi, Hiền có một tuổi thơ êm đẹp bên các anh chị. Nhưng rồi chiến tranh lan tràn, gia đình nàng phải tản cư xuống thành Sài. Các người chị, người có chồng về Bình Dương, người về Thủ Đức, họ tan tác như đàn gà con, gặp diều hâu nhào xuống, tha đi một vài con gà con, những con khác thì chạy tứ tán, thất lạc bên bờ ao, bên bờ ruộng nào đó.
 Hiền có người chị, chị Huân, hồi chiến tranh chị đi giao liên cho phe "giải phóng". Lúc đó, ở miền quê Củ Chi, ai mà không theo giải phóng cho được, vì hàng đêm phe giải phóng xuống từng nhà, kêu gọi người dân đi dân công, đi làm liên lạc, giao liên. Không đi mà được à? Không đi thì bị hăm dọa, bị trả thù, đủ thứ. Nên chị Huân phải cắn răng ra đi.
 Khi lên bưng, chị gặp một anh chàng trong lực lượng bộ đội vũ trang. Họ yêu nhau và chị mang bầu. Sau đó thì họ thất lạc nhau trong nhiều năm, vì chàng thì bận lo hành quân "giải phóng miền Nam". Còn nàng thì ôm bụng bầu càng ngày càng lớn. Chị Huân một mình về lại Củ Chi. Đứa bé sinh ra và dần dần lớn lên, không biết cha là ai.
 Người mà chị vẫn mãi đợi là anh chàng "giải phóng quân", sẽ có một ngày về đoàn tụ như những mơ ước ngày hai người yêu nhau. Không ngờ cũng mười năm sau, đến ngày tháng tư bảy lăm, anh trở về với cấp bậc đại tá Quân đội nhân dân VN, ông quan đại tá không nhận chị Huân là vợ, không nhận đứa con luôn....Chị Huân buồn tình, buồn đời, bỏ đi tu trong một ngôi chùa ở miệt Lái Thiêu. Ngày ngày chị gỏ mõ tụng kinh...Đó là một nỗi đau không bao giờ phai trong lòng Hiền, vì thương người chị, và thương hoàn cảnh của mình nữa.
 Từ hôm gặp Hoán đến nay, người đàn ông đi mua ve chai, Hiền cảm thấy trong lòng mình như tỉnh như mê. Dù gì, mình cũng còn có một căn nhà để ở, còn có công việc để làm lãnh lương hàng tháng, còn bốn đứa con để an ủi, lo cho nhau, đùm bọc nhau. Còn Hoán còn gì đâu, thời trước, đi lính, dù là sĩ quan chỉ huy, có dưới quyền cả một đại đội, cũng có vợ có con, nhưng qua cuộc đổi đời, anh vào tù, lại về sống chui rúc ở thành phố, tối về ngủ trong một ngôi mộ. Sao buồn quá vậy. Thế mà anh đâu có bi quan, anh vẫn cười nói vui vẻ, rất lạc quan. Tại sao mình buồn. Buồn mà chi. Các ni, sư, trong Tịnh xá đã dạy cho Hiền bao bài giảng. Cuộc đời là vô thường, của cải vật chất là vô thường, có đó rồi mất đó. Hãy tạo nên Nghiệp tốt thì sẽ nhận được điều tốt, điều lành, sau này.
 Hiền tự nhiên thấy an vui trong bụng.
5.
Hôm nay là ba ngày rồi Hoán không tới Hợp tác xã giấy. Hiền có ý chờ đợi. Số là, hai ngày qua, giấy về nhiều, các xe chở hàng đã về tấp nập, những thùng giấy được tháo ra, chất đống trong buồng chứa, chật cứng.. Hiền mong Hoán tới mua số thùng này, ít gì, anh cũng có thêm được mấy đồng lời, ít gì, cũng thêm cho bữa ăn của anh chút món có dinh dưỡng. Cái tánh nàng vẫn thế, thấy ai hoàn cảnh khổ hơn mình là nàng hay lo lắng. Nhưng sao tâm hồn nàng cứ mong chàng đến vậy cà...
 Trong lúc nàng đang ngóng ngó ra đường như chờ đợi, thì tiếng chuông leng keng của Hoán đã vọng tới tai Hiền, nàng mừng khấp khởi.

Hiền bươn bả chạy ra sân, ngó ra đường theo hướng tiếng chuông leng keng. Hoán đang đạp xe lò dò tới. Hiền ngoắt tay gọi to:
- Anh Hoán, anh Hoán...Hôm nay có thùng nhiều đây.
 Câu hỏi đầu tiên của Hiền khi Hoán xuống xe, dắt chiếc xe đạp vào sân Hợp Tác Xã Giấy:
- Anh Hoán đi đâu mấy ngày hôm nay mà biệt tăm vậy. Thùng giấy xuống nhiều chất đầy kho, tôi mong anh Hoán quá trời.
 Câu nói, tuy là một câu bình thường thôi, nhưng nghe kỷ ra, đó là một câu nói có ý mong chờ, nóng ruột, nóng lòng, chờ đợi mãi mà chàng chưa đến. Chứ nếu một người trong tâm lý bình thường thì Hoán không đến, sẽ có người khác đến mua, cái nghề mua ve chai, đồng nát, lạc xon nầy, tuy là nghề hạ tiện nhất bây giờ, nhưng trong xã hội có biết bao nhiêu người làm cái nghề hạ tiện này. Nó còn hơn nghề đi móc bọc một chút, và hơn hẳn những nghề bất lương khác như móc túi, giựt dọc, lừa đảo trên xe buýt, xe hàng, bán thuốc giả, cao đơn hoàn tán giả, xin đễu...Dù sao nghề này cũng là nghề lương thiện.
 Hoán xuống xe, dựng xe vào bức tường, lấy tay áo quẹt mồ hôi chảy dầm dề trên hai má và trên trán, mới thốt ra lời:
- Hai hôm nay tôi cũng đạp xe rạc cả cẳng đi mua ve chai chớ đâu. Tôi lên đến tận Gò Vấp, rồi Hốc Môn Bà Điểm mua hàng đó cô.
Hiền nghe mừng thầm trong bụng vì Hoán không bị bịnh gì, bình yên, đó là một điều Hiền vui nhất.
 Hiền hỏi:
- Lên tận trển anh mua được gì nhiều không?
- Cũng được chứ cô. Mà cũng may là tôi lại gặp được một người bạn thất lạc thừ lâu, từ ngày đi tù ở Thành Ông Năm. Anh đó gặp được tôi cũng mừng quá cô Hiền à.
 Rồi Hoán kể cho Hiền nghe bữa gặp Phú ở Tham Lương, kể về tình thân của hai người trong trại tù cải tạo. Và cuối cùng Hoán nói:
- Anh Phú là người tốt bụng lắm, hai vợ chồng ảnh nay ăn chay trường đó cô Hiền, ảnh mộ đạo Phật lắm.
 Hiền rất vui khi nghe nói những người mộ đạo như mình. Hiền trở lại chuyện thùng giấy cạc tông:
- Hai hôm nay xe thùng giấy về nhiều lắm anh Hoán, tụi tôi tháo ra bỏ đầy cả nhà kho trong ấy, anh vào coi và đem đi hộ đi.
 Hoán vội nói:
- Giá cả vẫn như cũ hả cô Hiền:
- Dạ, cũng vẫn như cũ, anh lấy được nhiều tôi bớt cho.
 Hoán hí hửng:
- Thế thì tốt quá, cảm ơn cô Hiền, thế thì hôm nay tôi kiếm được thêm chén cơm chớ không phải kiếm chút cháo đâu cô Hiền há.
 Hiền cười rất tươi:
- Thì có lợi cả đôi bên mà, anh kiếm miếng cơm thì công nhân ở đây kiếm ly cà phê.
 Hiền nhìn Hoán cười. Hiền chú ý hôm nay Hoán bận cái áo sơ mi ngắn tay màu caro xanh lợt, trông anh trẻ hẳn ra, và không còn đội cái nón phớt rộng vành nữa, mà thay vào đó cái nón lưỡi trai mới, màu cà phê sữa đậm, trông anh phong độ hơn ngày hôm trước.
 Hiền nhìn Hoán rồi làm như vô tư, cười nói:
- Anh Hoán hôm nay mới nhiều lắm đó nghe.
Hoán tự nhiên lúng túng:
- Đâu có gì đâu cô Hiền. Có gì mới cô chỉ ra cho coi thử nào.
 Hiền nhoẻn miệng cười:
- Thì này, áo mới này, mũ mới này, phải không nào.
 Hoán chợt thấy "âm mưu" của mình bị phát hiện, bị bại lộ, khiến anh đỏ mặt lên:
- À, thì ra thế. Cô Hiền biết không? Tự nhiên khi tôi soi gương ở phòng tắm công cộng, tôi nhìn lại mình thấy mình lùi xùi quá, như người ăn xin, nên cố chỉnh trang lại chút thôi mà. Bận cái áo đi "móc bọc" ngày cũ, soi gương nhìn thấy mình không giống ai quá, phải không cô Hiền.
 Và tự nhiên, Hoán nhìn Hiền, cũng thấy hôm nay Hiền xinh hẳn ra với cái áo sơ mi màu xanh nước biển bó sát người, làm tăng phần thân thể thon gọn, mi nhon, của cô. Và nữa, cái mái tóc của Hiền cũng đã chỉnh sửa lại, hình như Hiền mới đi cắt tóc, mái tóc gọn ôm lấy bờ vai phía sau lưng, lại có những cộng tóc mai lưa thưa che phía trước khuôn mặt, khiến khuôn mặt của Hiền tròn hơn, xinh xắn hơn, dễ thương hơn. Và nữa, nàng có kẻ chì đôi viền mắt, và tô chút môi son hồng lên đôi môi. Tuy rất nhẹ, nhưng tinh ý sẽ thấy cô Hiền hôm nay khác ngày hôm qua, một cô Hiền xinh xắn, dễ thương, hiền dịu.
 Hiền thấy Hoán quan sát mình hơi kỷ nên Hiền cũng mất bình tỉnh, cô đỏ mặt lên, vội nói:
- Mặt tôi có nhọ nồi hay sao mà anh Hoán nhìn kỷ quá vậy?
 Hoán biết cái nhìn quan sát kỷ Hiền của mình, đã bị Hiền phát giác, nên anh nói xả lã:
- Đâu, đâu có gì...Ờ, ờ...Mà hôm nay thấy cô Hiền xinh ghê nên tôi ngắm chút đó mà...À, cô, tôi vào nhà kho lấy thùng nghe.
 Cả hai người trở về thực tại, Hoán không còn nghĩ về Hiền như bài hát Tuổi Ngọc của Phạm Duy: "Xin cho em một mớ tóc nồng. Êm như nhung, để em gối mộng. Mộng này là thần tiên. Mộng và người quyến luyến. Và chập chờn những bóng dáng quen." Và Hoán nghĩ tiếp, lan man trong đầu lời bản nhạc Thiên Thai của Văn Cao: "Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian. Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần. Thiên tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơ. Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn."
 Bởi vì Hoán là con người lãng mạn, mê thơ, mê nhạc đến độ quên ăn quên ngủ, thời trước kia, nên anh thi vị hóa vậy mà.
 Hiền thấy Hoán bần thần, vội nói:
- Anh vào kho đi, đầy một kho thùng cạc tông đó. Anh xếp gọn lại, tôi làm phụ với, hôm nay xuống hàng hết rồi tôi cũng rảnh.
 Hoán cố chối từ:
- Thôi mà cô Hiền, mình tôi làm được mà, cô còn công việc của cô nữa.
 Hiền vội nói:
- Không có gì đâu anh Hoán, để tôi phụ cho, chứ từng này thùng đầy kho hàng, một mình anh làm hôm nay không xuể đâu. Tôi giúp anh cho lẹ, anh còn đi từng chuyến chở đến chỗ sạp mua ve chai nữa mà, mất công lắm. Xong xe nào anh cứ chở đi, còn ở đây tôi tiếp tục xếp gọn lại cho anh. Tôi làm thế này cũng như làm việc ở Hợp Tác Xã thôi, anh đừng lo.
 Thế là hai người cùng ngồi trong kho chứa thùng giấy làm việc.
 Hoán thấy ngồi gần Hiền, nàng tự nhiên gây trong lòng chàng một cảm giác thoải mái, êm nhẹ, như nói chuyện với một người thân. Hiền kể những ngày ở Củ Chi, những "ngày xưa còn bé" đó mà. Tuổi thơ của con nít nhà quê, dù trai hay gái, cũng na ná giống nhau. Là chạy rong ra ngoài đồng câu cá rô, cá lóc. Là thả lờ, bắt ốc, hái rau. Tuổi thơ vô tư lự đến ngày nàng lên mười mới thấy bóng dáng chiến tranh.
 Còn Hoán thì kể cho Hiền nghe những ngày tháng sinh viên, đạp xe đạp đi dạy kèm ở các nhà, khu ngã ba ông Tạ, khu Thánh Mẫu...Những buổi chiều bãi lớp ở giảng đường trường Luật đường Duy Tân, anh phải đạp xe len lỏi trong đám đông, chạy thục mạng lên đến ngã ba ông Tạ để dạy kèm cho đúng giờ.. Những ngày tháng còn là sinh viên tuy gian khổ nhưng đầy ắp mộng tưởng. Anh cũng mơ sau này được làm một ông luật sư hay giáo sư, nhưng những mộng ước đó cũng tan theo mây khói khi lệnh tổng động viên toàn quốc được ban hành. Cho nên thành Sài đối với Hoán là những con hẻm sâu, là chiếc xe đạp, là những bữa ăn quán cơm xã hội đường Lê Văn Duyệt. Đó là những kỷ niệm tuyệt vời mà hai chục năm sau, anh lại bắt đầu từ số không, trở lại giai cấp chót nhất, thấp nhất của xã hội, người đi mua ve chai dạo.
 Đến trưa, coi như Hoán đã chuyển được năm lần thùng cạc tông xếp bỏ trong giỏ cần xé, đi bán cho tiệm thu mua phế liệu. Còn cũng khoảng một nửa số thùng trong kho thì hai người đã thấy kiến bò trong bụng.
 Hoán đề nghị:
- Cô Hiền ơi! Cô Hiền ngồi đây nghe, tôi đi kiếm mua chút gì bỏ trong bụng chứ đói quá rồi. Cô Hiền ăn gì tôi mua luôn cho.
 Hiền nghe Hoán nói vậy thì cũng cảm động lắm, vì thấy Hoán lo lắng cho mình. Tuy nhiên, nàng sợ Hoán tốn tiền, cho nên nàng bảo:
- Tôi cũng đói rồi, nhưng nhà tôi gần đây mà, anh Hoán đi chuyến này nữa, tôi sẽ về nhà đem cơm lên đây ăn luôn thể, chứ mua cơm hộp làm gì cho tốn tiền. Cơm và thức ăn tôi đã nấu từ sáng cho mấy đứa con ăn đi học, còn nhiều ở nhà đó. Để tôi về mang lên cho, nhà tôi gần đây mà.

Lời đề nghị của Hiền làm Hoán ú ớ, nhưng anh thấy cũng có lý là nhà Hiền gần đây và có cơm và đồ ăn đã nấu sẳn, tiện quá rồi.
 Hoán thành thật nói:
- Nếu cô Hiền có ý vậy thì cũng tốt, thôi tôi chở chuyến này nữa, về rồi mình ăn cơm.
 Sau chuyến đó, Hoán trở về, cơm đã dọn sẳn trên bàn. Hoán tự dưng thấy lòng mình có một nỗi hân hoan, nhẹ nhàng. Cái hạnh phúc nhỏ nhoi như thế này mà chàng tìm hoài không có được.
 Hai tuần sau, chuyện mua thùng cạt tông đã trở thành "cơm bữa" với Hoán. Và những nhân viên ở Hợp Tác Xã giấy cũng bàn vô chuyện hai người, hai tâm hồn cô đơn xáp lại với nhau là một điều nên làm.
 Và trong một đêm tối trời, Hoán đạp xe từ nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi xuống Thị Nghè, xe đạp của anh không có kèm theo giỏ cần xé. Hai người cho xe vào một quán cà phê vườn ở đường Điện Biên Phủ. Bóng đêm tối thui, mịt mùng. Trong bóng đêm, Hoán đã cầm tay Hiền, áp cả lòng bàn tay Hiền lên ngực mình. Hoán tỏ tình:
 - Hiền ơi! Em là vị cứu tinh của anh, em là ân nhân của anh. Có em, anh thấy trời xanh hơn, nắng tươi hơn, gió mát hơn. Anh yêu em, Hiền ơi.
 Hai người hôn nhau ngọt ngào. Nụ hôn dài và thơm quá đổi.
Như hai câu thơ của Xuân Diệu:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần...
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Trần Yên Hòa

No comments: